Truy cập hiện tại

Đang có 33 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Tân Châu: Tấm lòng cô Trần Thị Bến dành cho bệnh nhân nghèo

(TUAG)- Đã từ lâu, trên địa bàn thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, có rất nhiều nhà thuốc nam hoạt động, nơi đây sẽ khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho bà con, để có được nguồn thuốc nam, nhiều tập thể, cá nhân đi sưu tầm thuốc ở các nơi như tại vùng núi An Giang, cho đến những nơi xa xôi tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang, hay các vùng ở Bình Phước…. Nhưng những năm gần đây, nguồn thuốc sưu tầm ngày càng khan hiếm, trong đó, có những loại thuốc vườn dễ trồng, dễ chăm sóc cũng bị hạn chế, do nhiều hộ dân tập trung canh tác sản xuất vụ mùa. Hiểu được tầm quan trọng của nguồn thuốc cần cung ứng cho các nhà thuốc nam, đã hơn chục năm qua, cô Trần Thị Bến, ngụ ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã trực tiếp trồng, chặt và  phơi thuốc nam bằng tất cả công sức cùng tấm lòng hướng đến bà con nghèo cần thuốc điều trị bệnh.
 

Cô Trần Thị Bến (đội nón lá) chặt thuốc phơi

Cô Trần Thị Bến, mọi người vẫn thường quen gọi cô Sáu, năm nay đã hơn 60 tuổi, với thân hình nhỏ nhắn nhưng cô lại rất nhanh nhẹn và tháo vát. Tình cờ chúng tôi gặp cô đang phơi thuốc nam trước nhà, qua trò chuyện mới biết rằng công việc phơi thuốc nam này của cô đã thực hiện âm thầm lặng lẽ suốt hơn chục năm qua. Khi hỏi vì sao cô lại chọn công việc này, cô Bến vui vẻ trả lời tất cả cũng chỉ xuất phát từ tấm lòng mà thôi. Cô Trần Thị Bến, chia sẻ thêm: “Từ tấm lòng mình, mình yêu thích, muốn tạo cái phước mình mới làm, mình mần để mình đưa cho nhà thuốc giúp người bệnh người ta có uống cho hết bệnh, thuốc này lặt vặt, lặt vặt không có nhiều, nhưng mà cái này mình trồng món, cái kia món vậy đó, có nhà thuốc người ta sài, cho người ta không có thiếu thuốc”.

Cứ đều đặn hàng ngày, trước khoảng sân nhà của cô Sáu Bến, nhà hàng xóm gần cô và dọc 02 bên đường nông thôn ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu sẽ là hình ảnh của những loại thuốc nam được cô Sáu cùng mọi người chặt, phơi kĩ lưỡng. Kể cho chúng tôi nghe, nếu như trước đây, cô Sáu Bến chủ yếu tìm, rồi chặt phơi thuốc nam ngay tại trước sân nhà, thì khoảng 05-06 năm nay, cô đã bắt đầu trồng các loại thuốc nam, từ 01 công đất sau lên đến 02 công đất trồng thuốc nam. Hể nhà thuốc còn đang thiếu nguồn thuốc nào, cô Sáu Bến sẽ trồng và chăm sóc loại thuốc đó, để cung cấp cho nhà thuốc kịp thời điều trị bệnh cho bà con “những nhà thuốc thiếu món gì, mình trồng món đó, như mần ri, cỏ mực, dây mơ, đậu xăng nè, cô trồng cái mớ cho Thầy có sài là vậy đó”.
 

Việc làm của cô Sáu Bến, không chỉ được gia đình, chồng con ủng hộ như việc chồng cô trồng, chăm sóc thuốc nam hay cả công đoạn thu hoạch thuốc, mà các cô ở gần nhà cô Sáu cũng đến phụ tiếp thu hoạch. Vậy là cứ vào mỗi đợt thu hoạch, từ 04-05 giờ sáng, có từ 04 đến 05 cô đã ra đồng để thu hoạch thuốc, rồi về cùng nhau chặt thuốc, tiến hành phơi.. tranh thủ nắng sáng tốt để thuốc được khô nhanh… mọi công đoạn đều được thực hiện trôi chảy hòa với tiếng cười nói vui vẻ, vì mọi người khi đến đây đều nhiệt tâm và hết lòng với công việc thầm lặng này, nhưng đã thật sự lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia dành cho nhau và nhất là khi nghĩ đến các bệnh nhân nghèo, các nhà thuốc nam cần nguồn thuốc điều trị bệnh. Cô Nguyễn Thị Thẩm, ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu chia sẻ:“Ở đây thì coi như chị Sáu mần, phơi thuốc làm cũng như từ thiện, chỉ mần cũng như không kịp lại đây tiếp, phụ chỉ, cũng như tinh thần cũng tốt, xe lại lấy, lớp xe tải, lớp xe honda, dưới kinh ở đâu cũng lại đây lấy thuốc”.

Nguồn thuốc nam của cô Sáu Bến trồng, sau khi thu hoạch, được chặt phơi khô sẽ cung cấp cho nhà thuốc nam của thầy Hai Phát, xã Châu Phong và thầy Phú ở xã Tân An, thị xã Tân Châu. Với diện tích có được, cô Sáu trồng những loại thuốc mà hai nhà thuốc cần vì hiện tại việc sưu tầm nguồn thuốc cũng khó khăn hơn so với trước đây. Nên trồng với nguồn sẵn có tại địa phương sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho các nhà thuốc. Đối với cô Sáu Bến công việc trồng, chặt, phơi thuốc nam không bao giờ buồn mà luôn lấy công việc này làm niềm vui, trên tinh thần tự nguyện mà cô đã làm hơn chục năm qua đã có hàng trăm tấn thuốc được các nhà thuốc sử dụng để điều trị cho bệnh nhân nghèo. Điều mong mỏi của cô Sáu Bến là sẽ có nhiều sức khỏe để cứ tiếp tục hoài công việc này, cô Trần Thị Bến, ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh bày tỏ: “Cầu trời phật mạnh giỏi đi làm hoài vậy luôn, chứ tuổi mình cũng lớn rồi, mần nhiều thì có em út phụ tiếp, sức mình cũng đâu còn như lúc trước nữa, nhưng mà người ta cần thuốc mà, nên mình cứ làm hoài luôn”.
 

Việc làm của cô Trần Thị Bến đã lan tỏa và có nhiều chị em đến phụ tiếp cô

Việc làm của cô Sáu – Trần Thị Bến thật đáng trân trọng, khi cô và gia đình đã cùng nhau trồng, chăm sóc những cây thuốc nam và càng tốt cùng lan tỏa đến các cô hàng xóm cùng phụ tiếp chặt, phơi thuốc, từ đó mà có nguồn thuốc sẵn có tại địa phương cung cấp cho nhà thuốc nam. Nếu chỉ bắt gặp hình ảnh của các cô đang chặt phơi thuốc, có lẽ chỉ nghĩ công việc đơn giản, nhưng nếu có tâm và tình yêu thương thật sự, thì sẽ không thể nào làm công việc không trả phí này hơn chục năm qua của cô Sáu Bến cùng với mọi người. Năm 2024 này, An Giang đẩy mạnh học tập và làm theo Bác Hồ, Bác Tôn với Chuyên đề “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân”, thì những điều cô Sáu Bến làm cũng là điều cô học tập và làm theo Bác, vì cô đã góp sức mình trong chăm lo sức khỏe nhân dân, khi có một sức khỏe tốt, sẽ góp phần cho mỗi cá nhân học tập, lao động, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.

Huyền Thoại
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39013837